QUY TRÌNH KỸ THUẬT CHĂM SÓC LAN MOKARA GIAI ĐOẠN HẬU CẤY MÔ
QUY TRÌNH KỸ THUẬT CHĂM SÓC LAN MOKARA GIAI ĐOẠN HẬU CẤY MÔ
1. Đặc điểm giống, thổ nhưỡng và điều kiện canh tác theo quy trình
Lan Mokara là loài lan đơn thân, phát triển vô hạn theo chiều thẳng đứng. Rễ trần mọc xen kẽ với lá. Hoa nhiều màu sắc: vàng, tím, cam, hồng, đỏ. Nhiệt độ thích hợp là từ 25 0C – 30 0C, cường độ ánh sáng khoảng 50 % – 60 %.
2. Quy trình trồng
Nhà trồng: lan Mokara được trồng trong điều kiện nhà màng, mái lợp bằng màng polyethylen. Trong nhà màng sử dụng lưới cắt nắng 50% – 70% để thúc đảy khả năng sinh trưởng của cây.
Sử dụng các giống lan: vàng chanh, vàng đậm, vàng mai…
Các loại giá thể có thể sử: mụn dừa, vỏ dừa và vỏ đậu phộng phải được xử lý trước khi trồng.
Huấn luyện chai mô trong 2 tuần trước khi ra cây, cây con lấy ra khỏi bình cần rữa sạch, để ráo nước và đặt trên gian ươm. Cây được giữ ẩm, phun bón lá và thuốc phòng trừ nấm khuẩn gây bệnh, sau 15 ngày thì bắt đầu trồng. Cây được trồng trên giàn ươm với mật độ thưa dần: Cây từ khi mới trồng – 6 tháng: cây x cây = 5 cm; hàng x hàng = 5 cm. Cây từ 6 tháng – 12 tháng: cây x cây = 10 cm; hàng x hàng = 10 cm. Sau 12 tháng: cây x cây = 15 cm; hàng x hàng = 15 cm. Cây sau 24 – 36 tháng trồng ra vườn sản xuất.
Bón phân cho cây ở giai đoạn cây con chủ yếu là phun qua lá. Phun 2 – 3 lần phun phân N:P:K (30-10-10, 20-20-20), phun xen kẽ với phân hữu cơ (phân cá, Seaweed…) và các loại phân kích thích ra rễ (Vitamin B1, N3M,). Liều lượng sử dụng: Cây mới trồng đến 2 tháng: phun 1/2 liều hướng dẫn, 1 lần/tuần. Cây từ tháng thứ 3 đến tháng 12: phun 1/2 -1 liều hướng dẫn, 2 lần/tuần. Cây từ tháng 12 trở đi: phun theo liều hướng dẫn, 1 lần/tuần.
Phòng trừ sâu bệnh: Vườn trồng đảm bảo luôn thông thoáng, phun các loại thuốc phòng trừ nấm bệnh cho cây.
Hình: Cây lan Mokara trồng trên giá thể |
Hình: Nhà ươm cây lan Mokara hậu cây mô |
3. Hiệu quả về kinh tế
Lợi nhuận đem lại khi trồng lan Mokara giai đoạn hậu cấy mô trung bình khoảng 20.000 triệu đồng/năm/100 m2.
4. Khuyến cáo các tổ chức, cá nhân áp dụng
Quy trình sản xuất áp dụng tối ưu cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, nông hộ có quy mô từ 100 m2; vốn đầu tư tối thiểu 150 – 200 triệu đồng; thời gian hoàn vốn 2 -3 năm.
5. Địa chỉ áp dụng thành công
Mô hình này đã lan tỏa đến hơn 5 tổ chức và cá nhân với diện tích hơn 3000 m2, cụ thể như:
- Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Nông nghiệp Công nghệ cao. Địa điểm: Ấp 1, xã Phạm Văn Cội, huyện Củ Chi, Tp. HCM; Quy mô sản xuất: 1400 m2; Điện thoại: 028.38862726.
- Ban Quản Lý Khu Nông Nghiệp Ứng Dụng Công Nghệ Cao Phú Yên. Địa chỉ: 159 Lạc Long Quân, Phú Lâm, Tuy Hòa, Phú Yên; Quy mô sản xuất: 500 m2; Điện thoại: 0257. 3558 678.
- Ông Phạm Xuân Hiệp. Địa chỉ: xã Nhuận Đức, huyện Củ Chi, TP. Hồ Chí Minh. Quy mô sản xuất: 1000 m2.
- Bà Nguyễn Hà Y Chiêu. Địa chỉ: Ấp 5 xã Phạm Văn Cội Củ Chi Thành phố Hồ Chí Minh. Quy mô sản xuất: 500 m2.
- Trung tâm kỹ thuật và công nghệ sinh học Tiền Giang. Địa chỉ: Quốc lộ 50- Ấp Hội Gia – Xã Mỹ Phong – Tp. Mỹ Tho – Tỉnh Tiền Giang. Quy mô sản xuất: 300 m2.
- Công ty TNHH Phát triển Dự án Việt Nam – VNP. Địa chỉ:TDP 8, phường Đồng Sơn, TP Đồng Hới, Tỉnh Quảng Bình. Quy mô sản xuất: 1000 m2.
ĐƠN VỊ SOẠN THẢO NỘI DUNG:
- Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Nông nghiệp Công nghệ cao
- Trung tâm Ươm tạo Doanh nghiệp Nông nghiệp Công nghệ cao
ĐƠN VỊ BIÊN TẬP NỘI DUNG:
Ban Quản lý Khu Nông nghiệp Công nghệ cao Thành phố