HÀNH TRÌNH VỀ NGUỒN MỪNG KỶ NIỆM 50 NĂM NGÀY GIẢI PHÓNG MIỀN NAM, THỐNG NHẤT ĐẤT NƯỚC 30/4/1975 – 30/4/2025
Vừa qua từ ngày 11/4/2025 đến 13/4/2025, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp Nông nghiệp Công nghệ cao (thuộc Ban Quản lý Khu Nông nghiệp Công nghệ cao Tp. HCM) đã tổ chức thành công “Hành trình Về nguồn” tại huyện Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu nhằm kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, Thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2025). Chuyến đi do Công đoàn cơ sở thành viên và Chi đoàn thanh niên Trung tâm đồng phối hợp thực hiện, thu hút hơn 25 đoàn viên, thanh niên và công đoàn viên tham gia.
Khơi dậy tinh thần “uống nước nhớ nguồn
Mục đích trọng tâm của chương trình là giáo dục truyền thống yêu nước, khơi dậy lòng tự hào dân tộc, đồng thời tạo sân chơi ngoại khóa gắn kết tập thể. Phát biểu tại buổi lễ xuất phát, ông Võ Thanh An – Chủ tịch Công đoàn cơ sở thành viên Trung tâm GDNNCNC, nhấn mạnh: “Hành trình Về nguồn không chỉ là chuyến đi dâng hương viếng các anh hùng liệt sĩ, mà còn là dịp để mỗi cán bộ, đoàn viên trân trọng hơn lịch sử đấu tranh oanh liệt của cha ông, củng cố niềm tin vào tương lai, giúp chúng ta càng vững vàng trên con đường xây dựng Trung tâm nói riêng và toàn khu Nông nghiệp Công nghệ cao nói chung ngày càng phát triển hơn”.
Bí thư Chi đoàn, anh Lâm Thanh Tùng, chia sẻ thêm: “ Qua chuyến đi, hy vọng các bạn trẻ, chi đoàn viên của trung tâm sẽ hiểu sâu sắc hơn giá trị của sự hy sinh, vượt qua đau thương để có được hòa bình, thống nhất. Đây cũng là động lực để mọi người tiếp tục nâng cao chuyên môn, phục vụ nông nghiệp hiện đại, góp phần xây dựng quê hương giàu đẹp”.
Lịch trình chi tiết, xúc tích và đa dạng
Theo Kế hoạch số 54/KHLT- CĐCSTV-ĐTN ngày 27/3/2025, đoàn đã khởi hành lúc 05h00 ngày 11/4 từ bến tàu huyện Trần Đề (Sóc Trăng), đến đảo Côn Đảo vào khoảng 08h00 cùng ngày. Tại huyện Côn Đảo đoàn tham quan Dinh chúa đảo – một công trình kiến trúc Pháp cổ kính, khu biệt thự Vọng Nguyệt, nơi các vị chúa Nguyễn từng đặt chân. Tiếp đó, đoàn tới Bảo tàng Côn Đảo, nơi lưu giữ hiện vật, hình ảnh khắc họa cuộc sống tù đày của các chiến sĩ cách mạng trong hai cuộc chiến chống Pháp và chống Mỹ.




Ngày 12/4, từ 08h00, đoàn tham quan lần lượt chuồng cọp kiểu Pháp, chuồng cọp kiểu Mỹ – những công trình giam giữ tù nhân khắc nghiệt, miếu Bà Phi Yến – di tích gắn liền với huyền tích người đàn bà anh hùng bất khuất, và trại tù Phú Hải. Đặc biệt, buổi chiều, tất cả thành viên trang nghiêm tổ chức lễ dâng hương tại nghĩa trang Hàng Dương – nơi yên nghỉ của hơn 20.000 chiến sĩ và đồng bào yêu nước.
Buổi lễ dâng hương diễn ra trong bầu không khí trang nghiêm, Ban tổ chức cùng toàn thể đoàn viên và công đoàn viên của Trung tâm đã đang hương và lễ lên tượng đài chính tại Nghĩa trang Hàng Dương. Sau khi dâng hương Đoàn cùng nhau dành những phút mặt niệm để tưởng nhớ công ơn cũng như sự hi sinh anh dũng của các chiến sĩ đã ngã xuống vì nền độc lập, tự do của dân tộc.

Bên cạnh nghi thức dâng hương tại khu mộ tập thể, đoàn đã thành kính tổ chức lễ viếng và đặt lễ hoa tại phần mộ cô Võ Thị Sáu – người Anh hùng lực lượng vũ trang Nhân dân, biểu tượng của tinh thần bất khuất, nhiệt huyết vì độc lập tự do của dân tộc. Buổi lễ viếng diễn ra trong không gian trang nghiêm nhằm tưởng nhớ tấm gương kiên cường, bất khuất của người nữ liệt sĩ. Hoạt động này không chỉ thể hiện lòng tri ân sâu sắc mà còn nhắc nhở thế hệ trẻ hôm nay về trách nhiệm tiếp bước, phát huy truyền thống “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc.

Ý nghĩa sâu xa trong kỷ niệm 50 năm Thống nhất
Chặng đường 50 năm sau ngày 30/4/1975 là hành trình vươn lên mạnh mẽ của cả dân tộc. Riêng đối với ngành giáo dục nghề nghiệp, nhất là lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, chuyến hành trình càng có ý nghĩa khi thế hệ trẻ hôm nay được quay trở về những mảnh đất đã từng nhuốm đẫm máu xương của cha ông. Đồng thời, hành trình còn góp phần nâng cao nhận thức về trách nhiệm bảo vệ và phát huy giá trị di tích lịch sử – văn hóa, từ đó lan tỏa tinh thần học tập, sáng tạo, gắn kết cộng đồng.
Thực tế, Côn Đảo không chỉ là biểu tượng của khí phách và lòng kiên trung của dân tộc, mà còn là minh chứng cho tinh thần bất khuất, vượt lên hoàn cảnh khắc nghiệt để giữ vững ý chí đấu tranh. Chính từ những di tích ấy, thế hệ trẻ học được cách kiên trì, nhẫn nại, không ngại khó khăn – phẩm chất cần có để theo đuổi các công việc kỹ thuật cao.
Nhìn lại hành trình – Bước tiếp vững vàng
Chuyến “Hành trình Về nguồn” lần này đã để lại dư âm tốt đẹp trong lòng mỗi đoàn viên, thanh niên và công đoàn viên Trung tâm. Từ những bước chân tại Dinh chúa đảo, những câu chuyện tại Bảo tàng Côn Đảo, đến phút thiêng liêng ở nghĩa trang Hàng Dương, tất cả đều khiến người tham gia thêm trân trọng quá khứ, yêu quý hiện tại và có thêm động lực vươn tới tương lai.
Trong bối cảnh hội nhập và phát triển, việc gắn kết lịch sử – văn hóa với giáo dục nghề nghiệp không chỉ giúp học viên, cán bộ, nhân viên hiểu rõ giá trị di sản dân tộc mà còn thấm nhuần trách nhiệm công dân. Đối với Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp Nông nghiệp Công nghệ cao Tp. HCM, hành trình này không chỉ là một chuyến đi, mà còn là khởi đầu cho chuỗi hoạt động thiết thực, góp phần vun đắp lý tưởng “Giàu mạnh đất nước, tươi đẹp nông thôn”.